Nghệ sĩ Hồ Hoàng Dũng, người cựu chiến binh 73 tuổi vẫn đam mê biểu diễn và dàn dựng các chương trình văn nghệ quần chúng thể hiện các ca khúc truyền thống cách mạng. 20 năm gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng, ông hướng dẫn các đội văn nghệ của các phường, quận, huyện, các đơn vị tại TPHCM đạt nhiều giải nhất, nhì trong các hội thi. Đặc biệt tại phường Bến Nghé – Quận 1, ông là Đội trưởng Đội văn nghệ Hội Cựu chiến binh phường, gầy dựng các chương trình văn nghệ quần chúng bằng sự kiên trì, tận tình để đáp lại sự quý mến của bà con.
Một thời “Tiếng hát át tiếng bom”
Nghệ sĩ kể lại ký ức năm 1965, ông xung phong nhập ngũ tại Trung đoàn 220 pháo bảo vệ Thủ đô. Trong bối cảnh máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc, đơn vị trực ban trên mâm pháo 24/24 tiếng, đi ngủ cũng đi giày trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, đội văn nghệ của các đơn vị chiến đấu được xây dựng, ông tham gia đem lời ca tiếng hát động viên chiến sĩ ở trận địa pháo.
Trải qua thời chiến tranh ác liệt, nghệ sĩ không thể nào quên trong phong trào văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom” động viên chiến sĩ “nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Tiếng hát thôi thúc thế hệ thanh niên thời đó. Những lời ca cách mạng thúc giục bao thanh niên lên đường vì Tổ quốc: “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn/Đá mòn mà đôi gót không mòn”, với tinh thần chiến đấu vì Việt Nam sống mãi.
Đam mê văn nghệ, sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, nghệ sĩ thử sức mình trong các cuộc thi. Ông đạt giải Nhất “Tiếng hát Người Hà Nội” do Sở Văn hóa Hà Nội tổ chức năm 1973; giải Nhì cuộc thi hát truyền thống cách mạng do Báo Công an TPHCM tổ chức năm 1992…
Truyền cảm hứng cho văn nghệ quần chúng
Từ năm 2000 đến nay, kỷ niệm khó quên với nghệ sĩ là dàn dựng chương trình văn nghệ “Tiếng hát khu phố tôi” cho Khu phố 5 phường Bến Nghé – Quận 1 đạt giải Nhất cấp phường 8 năm liền. Từ thành công đó, ông được mời làm Đội trưởng Đội văn nghệ Hội Cựu chiến binh phường Bến Nghé và tham gia đoàn ca múa Hội Cựu chiến binh TPHCM, đoàn văn nghệ Truyền thống Ban Dân y miền Nam TPHCM, đội “Hướng Dương” ở Cung Văn hóa Lao động TPHCM…
Ông chia sẻ: Xây dựng đội văn nghệ quần chúng phải kiên trì vì bà con không biết nhạc, có người chưa lần nào hát, múa. Người thầy phải hát hay để truyền cảm hứng cho người học, phải dạy hát từng câu, và phải có sức khỏe để dạy hát suốt 2 tiếng mỗi buổi. Biểu diễn văn nghệ nghiệp dư không có tiền, tạo sân chơi vui thì bà con mới đến.
Trong dàn dựng chương trình, ông đầu tư thuộc nhiều bài hát phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân. Đồng thời đầu tư phối nhạc và chọn người thể hiện ca khúc. Ông nghiên cứu thể hiện bài hát để truyền cảm xúc cho người nghe; thuộc nhiều thơ văn để “thổi” thơ vào trong bài hát.
Nghệ sĩ xúc động bày tỏ: Là người lính sống qua thời chiến tranh, tôi đã hát các ca khúc truyền thống cách mạng như lời tự sự bằng trái tim mình. Có khi hát xong, vào sau sân khấu mà nước mắt chưa khô. Để tăng cảm xúc cho người nghe, tôi “thổi” thơ vào phần nhạc dạo, như: “Muôn dặm bồng bềnh thuở Bác đi/Bồi tàu, rửa ảnh chẳng hề chi/Trời Âu quét tuyết đêm băng giá/Tim đỏ Lênin sáng lối về” khi hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh; đọc thơ “Ôi Việt Nam anh dũng những đoàn quân/Vượt qua thác lũ đã trăm lần/Mang cả bốn ngàn năm vào trận đánh/Cho Việt Nam tươi sáng mãi mùa xuân” để khắc họa thêm hình ảnh người lính…
Từ dàn dựng của nghệ sĩ Hồ Hoàng Dũng, các chương trình biểu diễn của Đội văn nghệ Cựu chiến binh phường Bến Nghé đạt nhiều giải thưởng: Giải Nhì “Tiếng hát Người cao tuổi Bình Dương”; giải Nhất “Tiếng hát Cựu chiến binh Quận 1” nhiều năm liền; năm 2020 đạt giải Nhất toàn đoàn cuộc thi video clip chủ đề “Dâng Người đất nước ngàn hoa” do Hội Cựu chiến binh Quận 1 và Truyền hình SCTV tổ chức. Ngoài ra, ông còn dàn dựng nhiều chương trình văn nghệ quần chúng đạt giải nhất, nhì cho các phường, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại TPHCM.
Mong muốn của nghệ sĩ là: “Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ yêu thích những bài ca đi cùng năm tháng, để biết ơn những người đi trước đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc, biết trân trọng giây phút hòa bình. Và cựu chiến binh vẫn đi đầu hưởng ứng, cổ động các phong trào thi đua yêu nước với tinh thần: Cựu chiến binh – cựu mà không cũ, luôn giữ phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ”.
H.Y