Từ phản ánh của người dân và qua tìm hiểu tại một số khu nhà trọ công nhân xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều hoạt động của các đối tượng, hội, nhóm núp bóng danh nghĩa “đại diện người lao động” với mục đích đáng ngờ.
Đường số 6 nằm phía sau tuyến đường chính dẫn vào Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần. Bên này là khu phố 37, phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức (TPHCM), bên kia là khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Nơi đây được ví như “thế giới nhà trọ công nhân”, với hơn 100 dãy nhà trọ cho hàng trăm công nhân thuê.
Ông Trần Hải Huỳnh, Trưởng khu phố 37, phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức), cho biết, từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đến nay, địa bàn giáp ranh này khá phức tạp, nhiều hội, nhóm nhân danh “đại diện người lao động” ở các “nghiệp đoàn độc lập”, “công đoàn độc lập” trong KCN Sóng Thần len lỏi vào các khu nhà trọ công nhân, giới thiệu: “Các bạn có khó khăn gì cứ nói, nghiệp đoàn sẽ tìm nguồn tài trợ. Trước mắt có gạo ăn, áo mặc, sau là con cái được cấp học bổng đi học”. Các đối tượng này đã quay phim, chụp hình một số công nhân rồi tung lên mạng, nói những điều sai sự thật, kêu gọi mọi người chung tay cứu giúp công nhân đang gặp khó khăn.
Vừa qua, nữ công nhân V.A. (thuê trọ trong khu vực, đang nuôi 2 con nhỏ) bị một đối tượng xưng là “Nghiệp đoàn lao động khu công nghiệp” đến quay phim, chụp hình đưa lên mạng kêu gọi giúp đỡ. “Ngay khi phát hiện vụ việc, chúng tôi đã đến tận nơi xác minh và khẳng định là thông tin sai sự thật; đồng thời đề nghị cô V.A. viết tường trình, cam kết không tái diễn”, ông Trần Hải Huỳnh nói.
Cách khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An không xa là khu phố Bình Đường 3, phường An Bình (TP Dĩ An) – nơi cũng có hàng trăm khu nhà trọ của công nhân làm việc tại KCN Bình Đường. Ông Thắng, chủ căn nhà trọ trong con hẻm nhỏ, cho biết: Nhà tôi có 10 phòng trọ, giờ còn 5. Công nhân nghỉ, về quê đến một nửa. Hiện còn một số ở lại, tìm việc khác sống”.
Chúng tôi hỏi chuyện một nữ công nhân ngồi trước phòng trọ: “Cô làm ở công ty nào?”. “Nghỉ mấy tháng nay rồi chú. Hôm đầu tháng có một người đến gặp, giới thiệu là nghiệp đoàn gì đó không nhớ tên, nói làm lý lịch rồi họ xin việc cho. Nói vậy thôi chứ họ có lo được gì cho mình đâu, chỉ lôi kéo đi gặp gỡ, vận động công nhân cho họ. Thấy vậy nên thôi”, người này kể.
Một nữ công nhân khác, ở phòng kế bên, nói thêm: “Cháu trước làm ở Công ty DAE KWANG, giờ công ty đóng cửa rồi. Trước kia có một nhóm tự xưng “Nghiệp đoàn người thợ” mời gọi công nhân tham gia hoạt động, để sau này được hưởng quyền lợi. Họ nói vậy chứ có được gì đâu…”.
Công đoàn… ngoài công ty
Đó là lời khẳng định của anh Nguyễn Văn Hải, công nhân tại một doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, KCN VSIP 1 (tỉnh Bình Dương), với chúng tôi về tổ chức đại diện người lao động ở công ty anh đang làm việc. Anh Hải nói: “Công ty có tổ chức công đoàn hoạt động theo Luật Công đoàn. Nhưng công đoàn này do công ty thuê người nhà của chủ làm việc, nên phụ thuộc hoàn toàn vào công ty, nhiều chuyện họ đâu có đứng về phía công nhân. Trong khi đó, ở bên ngoài có một công đoàn do người ngoài công ty thành lập, có thể bênh vực quyền lợi, lấy lại công bằng cho công nhân. Thông qua những công nhân đang làm việc trong công ty, họ tuyên truyền, cung cấp thông tin cho công nhân rằng có chuyện gì bức xúc hay bị chủ ngược đãi, trả lương thấp, không chăm lo thì cứ ra ngoài công ty, sẽ có công đoàn bên ngoài trực tiếp giải đáp, hướng dẫn đi đòi quyền lợi và hỗ trợ cuộc sống khi có khó khăn”.
“Trụ sở hoạt động của công đoàn này ở đâu?”, chúng tôi hỏi. Anh Hải nói: “Công đoàn này đâu có ở một chỗ cố định nào, cứ ra ngoài công ty hay về khu nhà trọ là có người của công đoàn đến gặp, lắng nghe công nhân nói về những bức xúc, chưa hiểu về vấn đề gì là được giải đáp, hướng dẫn cặn kẽ cách đấu tranh, đòi quyền lợi”… Đây được coi là phương thức hoạt động mà các tổ chức “đại diện người lao động”, lấy danh nghĩa tổ chức “công đoàn”, thực hiện để lôi kéo công nhân tại các doanh nghiệp ở KCN VSIP 1 và nhiều doanh nghiệp, KCN trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM.
Ở tỉnh Đồng Nai, một nhóm công nhân làm việc tại một doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Phú Thạnh – Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) cũng thông báo về phương thức hoạt động của “công đoàn ngoài công ty” này. Một nữ công nhân cho biết: “Cháu trước làm ở Công ty Đức Thành, có biết đến hoạt động của công đoàn ngoài công ty. Trong công ty có chuyện gì họ biết hết, luôn chủ động tìm đến công nhân, trước là quan tâm, giúp đỡ, sau là lôi kéo vào tham gia với công đoàn của họ”.
PHẠM HOÀI NAM