Ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học giữa các bảo tàng và trường học trên địa bàn

1

Ngày 9/12/2022, UBND Quận 1 – Bảo tàng Lịch sử TPHCM – Bảo tàng TPHCM – Bảo tàng chiến dịch Hồ Chí Minh – Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM – Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học giữa các bảo tàng và trường học trên địa bàn Quận 1. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Kim Đức, Trưởng Ban Dân vận Quận ủy Quận 1; Dương Thị Hồng Gấm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 1; Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND Quận 1; Bùi Minh Tiến, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1; Trần Đỗ Nam Long, Bí thư Quận đoàn 1; cùng đại diện các bảo tàng, ban giám hiệu các nhà trường trên địa bàn quận.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Mai Thị Hồng Hoa cho biết: Sự phối hợp giữa các bảo tàng với trường học là cần thiết, giúp cho các bảo tàng phát huy, lan tỏa sâu rộng được các giá trị lưu trữ vào đời sống, góp phần giáo dục thế hệ tương lai tình yêu và lòng tự hào với các di sản văn hóa của đất nước. Ðể đạt được những mục tiêu đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, trước tiên các bảo tàng cần thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ để làm cơ sở dữ liệu cung cấp đến các đối tượng một cách tiện lợi, nhanh chóng, phù hợp, hấp dẫn. Chủ động và linh hoạt mang di sản văn hóa đến nhà trường thông qua nhiều kênh, xây dựng các chương trình dành riêng cho từng đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng các em được học. Bên cạnh đó, đối với các trường học nên có sự đổi mới trong các giờ học về di sản văn hóa, tạo điều kiện cho các em học sinh được đến thăm bảo tàng, từ đó các em có ý thức giữ gìn di sản văn hóa của địa phương, của đất nước.

Tại buổi lễ, UBND Quận 1 cùng các bảo tàng ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh chuyển đổi số, sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học giữa các bảo tàng và trường học trên địa bàn Quận 1 với các nội dung: Chủ động phối hợp với các trường để đưa học sinh đến với bảo tàng và đưa di sản văn hóa đến với học đường theo cách tiếp cận mới; ứng dụng chuyển đổi số, khoa học công nghệ, số hóa hiện vật, cổ vật trong bảo tàng… để đa dạng hình thức tuyên truyền, giới thiệu cho học sinh; hỗ trợ chuyên môn cho các trường học để xây dựng kế hoạch tổ chức phục vụ hoạt động ngoại khóa mang tính trải nghiệm, khám phá, gần với nội dung trưng bày bảo tàng cho các em học sinh…

Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phối hợp với bảo tàng về tổ chức các hoạt động hưởng ứng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và sử dụng di sản văn hóa trong dạy và học. Xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa dành riêng cho học sinh gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp trong trường phổ thông tích hợp từ những chuyên đề trưng bày của bảo tàng. đưa giáo dục di sản văn hóa lồng ghép vào các môn học Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý, Tiếng Anh, Ngữ văn;…

N.T