HỌC BÁC Ở ĐỨC TÍNH VÌ DÂN

0
131
Năm nay, Sài Gòn vào Xuân có cái lạnh hây hây làm sao xuyến lòng người, nhà nhà vui tươi đón Tết trong không khí hân hoan, phấn khởi sau bao khó khăn vất vả do đại dịch gây ra. Dịp kỷ niệm 55 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng tôi đến thăm dì Dư Ngọc Lê, tại địa chỉ 1Bis Nguyễn Thành Ý, người nữ cán bộ từng tham gia cuộc Tổng tiến công ngày ấy và hiện giờ là hội viên phụ nữ tham gia phong trào địa phương năng nổ, tích cực dù đã 87 tuổi.
Dì là một trong những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong việc tham gia các hoạt động phong trào Hội Phụ nữ trong nhiều năm qua. Giữa những ngày này, những ngày gợi nhớ về cuộc chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc, chúng ta càng cảm động và hiểu thêm ý nghĩa của ngày chiến thắng lịch sử. Chiến tranh đã đi qua gần 50 năm kể từ ngày 30/4/1975, nhưng chúng ta gần như chưa nguôi quên về cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc và đặc biệt là những mất mát đau thương mà nó để lại. Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng năm xưa, dì Lê nói với giọng trầm thấp: “Tôi tham gia cách mạng năm 1956, ngay từ thời gian đầu, tôi đã có duyên gắn bó với công tác phụ nữ, là Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Trần Văn Thời, thường vụ Hội Phụ nữ tỉnh Cà Mau, lãnh đạo đội biệt động của huyện Trần Văn Thời. Năm 1958, thoát ly gia đình tham gia cách mạng đến năm 1975. Sau giải phóng, năm 1976, tôi được tổ chức phân công về Sài Gòn, làm trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Bí thư Đảng ủy Công ty Vải sợi miền Nam, nay là Công ty Vải sợi may mặc miền Nam, Thường vụ Đảng ủy khối Bộ Nội thương, nay là Bộ Công thương”. Sau nhiều năm cống hiến, dì Lê được trao tặng Huy chương Độc lập Hạng 3, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương giải phóng hạng Nhì và nhiều khen thưởng cao quý khác.
Nói về gia đình, về người chồng và gia đình thân thương, giọng dì trầm lại: “Hai vợ chồng tôi đều là cán bộ tham gia cách mạng nhiệt huyết, ông tên Đỗ Hoàng Minh, năm 1954, ông tập kết ra Bắc, đến năm 1975, chuyển về Sài Gòn, làm Trưởng phòng Bá âm Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông mất năm 1999. Chúng tôi có 02 người con trai đều đã có gia đình ổn định và thành đạt…” Hàng ngày ngoài việc chăm sóc con cháu, dì còn là một người phụ nữ đảm đang, khéo léo với các món ăn truyền thống của gia đình Việt. Mỗi khi câu lạc bộ sinh hoạt, dì tự tay phụ trách rất nhiều món ngon, đặc biệt, tôi cứ nhớ món chả giò và cháo lòng, gỏi gà của dì mà ai đã từng ăn rồi sẽ cứ muốn dùng thêm mãi.
Nghỉ hưu năm 1993, dì Lê tham gia công tác phụ nữ tại địa phương xuyên suốt tới nay, từng trải qua nhiều công tác kiêm nhiệm, từ cấp phường đến khu phố. Hiện nay, dì là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hội Mẹ truyền thống phường Đa Kao. Không ngại thời gian sớm khuya hay cực nhọc, mỗi khi có hoạt động là dì lại sắp xếp chu toàn công việc gia đình để hoàn thành tốt nhất công việc chung của xã hội, đặc biệt là chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn, đau yếu, bệnh tật, già, neo đơn…; với suy nghĩ “mỗi người góp một chút sẽ thành nhiều”, dì tích cực đi đến từng gia đình có điều kiện kinh tế để vận động từng kí gạo, từng tấm thẻ bảo hiểm y tế… để chia sẻ cho các gia đình cần giúp đỡ. Dì nói: “Tôi rất tâm đắc với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà Đảng ủy phường đã triển khai. Đặc biệt, trong suốt những năm qua, Hội Phụ nữ và các tổ chức Hội đoàn thể khác của phường đoàn kết, gắn bó, cùng nhau thực hiện đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về hành động, ý chí tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Từ đó, xuất hiện nhiều cách làm hay, tạo sức lan toả sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong phường”.
Liên tục nhiều năm qua, Câu lạc bộ Hội Mẹ truyền thống phường Đa Kao luôn là một trong những CLB được tuyên dương khen thưởng từ cấp phường đến quận với nhiều đóng góp tích cực và nổi bật trong công tác chăm lo an sinh xã hội, đặc biệt là công tác hậu phương quân đội. Không chỉ chăm lo về mặt vật chất, CLB Hội Mẹ còn đem đến ý nghĩa, hình ảnh người mẹ chiến sĩ truyền ngọn lửa ấm áp đến thế hệ trẻ, tiếp nối và giữ gìn truyền thống quý báu của dân tộc.
Hiện nay, tuy không còn tham gia Ban Chấp hành Hội LHPN phường nhưng với vai trò là Phó Chủ nhiệm CLB Hội Mẹ truyền thống và là cán bộ Hội nòng cốt, người dân ở khu phố, đặc biệt là chị em phụ nữ vẫn luôn yêu quý và trân trọng tấm lòng nhiệt huyết, vì cộng đồng của dì. Nắng chiều hắt nhẹ trên khuôn mặt hiền hậu đã nhiều nếp nhăn theo năm tháng của dì, vừa chăm sóc vườn rau, cây trái nho nhỏ trên sân nhà, dì tâm sự “Tôi học Bác ở đức tính Vì dân. Những lời Bác dạy vẫn còn nguyên giá trị và sẽ còn mãi trong trái tim tôi và của Nhân dân ta”.
Lắng nghe những lời tâm sự của dì, đối với tôi, là thế hệ sau, chưa từng đi qua chiến tranh, tôi đã rất khâm phục những người như dì và thầm nghĩ, dì Dư Ngọc Lê thật xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất Khuất – Trung hậu – Đảm đang” mà Bác Hồ trao tặng cho phụ nữ Việt Nam, là người mà thế hệ trẻ chúng tôi luôn trân trọng biết ơn và học tập, noi theo.
Khương Ngà