Theo tài liệu xưa, kênh Thị Nghè là địa giới tự nhiên giữa nội thành và ngoại thành Gia Định. Nhiêu Lộc là tên gọi của đoạn kênh từ cầu Thị Nghè trở về thượng nguồn (tức giáp với đường Út Tịch, quận Tân Bình). Từ giữa thế kỷ 20, con kênh mất dần chức năng lưu thông, chỉ còn cung cấp nước tưới cho các quận ven đô.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được xem là tuyến sông tự nhiên xưa nhất của đất Sài Gòn – Gia Định. Khi giao thông đường bộ chưa phát triển, kênh là tuyến huyết mạch vận chuyển hàng hóa phân phối ở các chợ thuộc quận 3, 10 và Tân Bình. Suốt một thời gian dài sau đó, nhiều người từ khắp nơi kéo về Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Những căn nhà ổ chuột nhanh chóng mọc lên, rồi các cơ sở sản xuất đua nhau xuất hiện. Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trở thành túi chứa rác, nước trở nên đen ngòm, hôi thối. Cách đây chừng 10 năm, nói đến cái tên Nhiêu Lộc – Thị Nghè, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh một dòng kênh đen ngầu bốc mùi hôi thối, rác rưởi nổi lềnh bềnh trên mặt kênh, không những ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn xáo trộn đời sống sinh hoạt của người dân thành phố, đặc biệt là những hộ dân sống hai bên dòng kênh. Sự ô nhiễm của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thời điểm đó không những ảnh hưởng đến bộ mặt mỹ quan đô thị thành phố Hồ Chí Minh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân sống hai bên bờ kênh.
Trước tình trạng ô nhiễm kéo dài của dòng kênh, với sự hỗ trợ vốn của ngân hàng thế giới, dự án cải thiện vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh thông qua và thực hiện trong suốt 10 năm ròng rã. Với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 là hơn 8.600 tỷ đồng, trong đó hơn 1.600 tỷ đồng chi phí bồi thường giải tỏa hơn 7.000 hộ dân với gần 50.000 người. Đây là dự án được hàng triệu hộ dân sống hai bên khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chờ đợi sự thay đổi mới. Bên cạnh dự án vệ sinh môi trường kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đầu tư hơn 554 tỷ đồng cho dự án cải tạo đường Trường Sa và Hoàng Sa tạo cảnh quan trên tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trở thành hai tuyến đường đẹp của thành phố.
Sự thay đổi diện mạo của dòng kênh lớn của thành phố không chỉ làm người dân thành phố nói chung mà còn làm cho người dân quận 1 nói riêng (phường Tân Định – Đa Kao) thấy vui mừng vì được sống trong môi trường trong sạch và mang lại cuộc sống mới cho cư dân dọc hai bên bờ kênh. Sau nhiều năm cải tạo và gần như xây mới hoàn toàn, nay con kênh này đã mang một dáng dấp hoàn toàn khác, một sự thay đổi toàn diện. Để giữ tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè luôn xanh, sạch, đẹp, UBND quận đề ra kế hoạch 103/KH – UBND ngày 12/6/2013 xây dựng tuyến đường điểm, tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé Xanh – Sạch – Đẹp giai đoạn 2013 – 2015. Trên cơ sở đó, phường Tân Định – Đa Kao chủ động tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền vận động phù hợp, hiệu quả, sử dụng lực lượng các đoàn thể làm nòng cốt. Phường Tân Định, tổ chức cho 170 hộ ven kênh đăng ký hưởng ứng thực hiện 4 nội dung xây dựng tuyến văn minh sạch đẹp bờ kè Hoàng Sa, dán nội dung đăng ký tại từng hộ và thường xuyên tổng vệ sinh hàng tuần. Phường Đa Kao ra mắt Câu lạc bộ “Bờ kênh xanh”, tổ chức cho 150 hộ ven kênh đăng ký 4 nội dung giữ gìn vệ sinh môi trường ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Các hoạt động trên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và giáo dục hành vi ứng xử trong việc tham gia bảo vệ môi trường, hạn chế tình trạng vứt rác, đánh bắt cá bừa bãi, gây ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân dọc tuyến đường Hoàng Sa – kênh Nhiêu Lộc. Góp phần kêu gọi mọi người tham gia giữ gìn môi trường, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo nét mỹ quan cho hệ thống kênh rạch vốn trước đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.
![]() |
Để ngăn chặn tình trạng tái ô nhiễm trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cần có sự quyết tâm của lãnh đạo các ngành, các cấp và sự đồng thuận, tham gia tự giác của cộng đồng xã hội. Phải xử phạt vi phạm nghiêm ngặt (mang tính răn đe) các hành vi vi phạm (cho tất cả các đối tượng, từ việc bỏ các túi rác, thùng rác nhỏ đến việc xả bỏ cả gánh rác hay cả xe ba gác chất thải…). Các đoàn thể địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định để lực lượng vệ sinh môi trường thu gom. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, tiếp tục triển khai các mô hình đường phố không rác, khu phố không rác. Đối với những người bán hàng rong, xe đẩy trên địa bàn, các phường cần ghi lại tên tuổi, địa chỉ nơi họ ở trọ để đến tận nơi nhắc nhở, vận động không đổ rác xuống kênh và tổ chức sắp xếp, quy hoạch khu vực buôn bán cho người lao động bảo đảm vệ sinh nơi công cộng… Cần giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là các khu vực dân cư và buôn bán dọc kênh. Phổ biến các quy định xử phạt thông qua tờ bướm, bảng thông báo đặt dọc kênh, trao đổi trong tổ dân phố, tổ chức thi đua xây dựng cảnh quan đẹp giữa các phường dọc theo kênh, tuyên truyền qua các kênh thông tin đại chúng.
![]() |
Một môi trường thanh sạch với dòng nước xanh trong, đôi bờ kênh là tuyến đường Hoàng Sa, Truờng Sa khang trang, rộng rãi rợp bóng cây xanh. Kênh Nhiêu Lộc bây giờ chính là niềm tự hào của Sài Gòn tấp nập và trở thành điểm hẹn lý tưởng cho tất cả tầng lớp nhân dân của thành phố dạo chơi, ngắm cảnh trên những dòng nước xanh của đường phố Sài Gòn.